Nếu như thời gian vừa qua, các trang tin tức và các fanpage liên tục đăng tải đoạn phóng sự “Sự thật kinh hoàng khi sản xuất nước rửa chén giá rẻ”. Thì trước đó, báo NLD đã có bài viết đưa tin về việc sản xuất nước rửa chén theo một cách “kinh dị” hoàn toàn không xa lạ. Theo đó, các loại nước rửa chén loại này giá chỉ 2.800 đồng/lít, mua càng nhiều giá càng rẻ. Sử dụng nhiều dễ bị các bệnh về da như tổ đỉa, nấm móng, chàm...
Nước rửa chén giá rẻ dễ như pha trà...Ảnh: Internet. |
Sản xuất nước rửa chén dễ như... pha trà
Thực tế chẳng cần kiến thức gì cao siêu, chỉ cần 30.000 đồng ra chợ hóa chất Kim Biên (TPHCM) là bạn sẽ có đầy đủ các chất để pha chế được 25-30 lít nước rửa chén theo công thức có sẵn.
Nước rửa chén “cây nhà, lá vườn”
Cuối tuần qua, ghé vào một con hẻm trên đường Lạc Long Quân thuộc phường 3, quận 11-TPHCM, chúng tôi chứng kiến đủ loại nước rửa chén được bày bán với lời quảng cáo thật hấp dẫn: “Nước rửa chén chất lượng, giá rẻ, bao xài”. Ghé vào một sạp hỏi mua, bà chủ vui vẻ giới thiệu cho tôi hàng chục loại nước rửa chén với đủ màu sắc xanh, trắng, vàng và các mùi đặc trưng như hương chanh, hương xá xị... Loại rẻ 4.000 đồng/chai 1,5 lít, mua chai lớn còn rẻ hơn: 14.000 đồng/5 lít! Mở nắp từng chai ra ngửi như ngửi nước hoa, bà chủ vồn vã nói với tôi: “Em thích mùi nào cứ chọn, nước rửa chén này xài rất tốt, nhiều bọt, rửa rất sạch, chất lượng chín - mười so với hàng của công ty. Mua càng nhiều giá càng rẻ, chị bao xài”.
Nhìn các chai nước rửa chén nhãn hiệu Phi Mã bắt mắt có giá quá rẻ tôi cũng xiêu lòng muốn mua, nhưng khi nhìn kỹ trên chai không hề có bất kỳ thông tin nào về địa chỉ sản xuất hay số điện thoại liên lạc tôi lại ngần ngại. Hỏi kỹ ra, người bán mới tiết lộ đây là sản phẩm “cây nhà, lá vườn”, nghĩa là do gia đình bà tự pha chế. Bà cho biết mỗi ngày tiêu thụ được ít nhất 50 lít nước rửa chén các loại, khách quen đa phần là quán ăn.
Nước rửa chén 3 trong 1. Ảnh: Internet. |
Nước tẩy rửa 3 trong 1: bồn cầu, toa lét, rửa chén
Trong vai một người muốn mua nguyên liệu về sản xuất nước rửa chén, tại chợ hóa chất Kim Biên tôi được nhiều chủ sạp mời chào rất hấp dẫn: “Em cứ yên tâm mua đi, ở đây có hướng dẫn cách pha chế, bảo đảm làm được mà”. Tại sạp T.B, anh bán hàng còn hăng hái kê cho tôi một danh sách pha chế khá dài: chất tạo bọt 20.000 đồng/kg, chất cô đặc 5.000 đồng/50 gam, chất tẩy 4.000 đồng/500 gam, hương liệu 4.500 đồng, màu 2.000 đồng, và hướng dẫn: “Cơ bản là vậy thôi, nếu muốn nước rửa chén đặc sệt thì thêm 1 kg muối giá từ 2.000 đồng-3.000 đồng. Bỏ các chất vào hòa tan trong 25 lít nước lạnh theo thứ tự đã ghi sẽ có hơn 25 lít nước rửa chén như ý. Vốn liếng tổng cộng hơn 30.000 đồng”. Tôi hỏi: “Có cần thêm vitamin để bảo vệ da tay không?”, anh trả lời: “Có thêm bột vitamin cũng tốt, thêm 30.000 đồng nữa. Mà em làm để bán thì cần gì vitamin để giá thành lên cao”. Chần chừ giả bộ không yên tâm, tôi tỏ ý muốn đi tham khảo một vài quầy nữa, thì anh này quả quyết: “Ở đâu cũng vậy, có bấy nhiêu chất đó. Có khác là tên gọi hoặc người ta vẽ vời một vài thứ để lấy thêm tiền mà thôi”.
Anh Quốc Thắng, một người quen chuyên kinh doanh hóa chất ở khu vực Chợ Lớn, tiết lộ: Chất tẩy trong nước rửa chén thật sự chỉ là xút dùng để... tẩy rửa bồn cầu và toa lét. Do giá rất rẻ, nên nhiều người tự mua về pha chế theo kiểu này để bán lẻ kiếm lời.
Hệ quả nghiêm trọng
Theo giáo sư - tiến sĩ Trương Thế Kỷ - Nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Hóa hữu cơ Đại học Y Dược TPHCM, cho biết các chất dùng pha chế nước rửa chén chủ yếu là chất có sức căng bề mặt, chất diện hoạt mà phần lớn là muối amoni (natri cacbonat, natri sunfat) của một số chất hữu cơ, vô cơ... Tất cả các chất này đều có tính kiềm và môi trường kiềm càng nhiều thì càng có hại cho da khi tiếp xúc trực tiếp. Qua tìm hiểu, chúng tôi nhận thấy để tăng “chất lượng” cho sản phẩm, những nhà sản xuất nước rửa chén “tay ngang” thường cho thêm rất nhiều chất tẩy. Như thế khi sử dụng những sản phẩm này, người tiêu dùng không ít thì nhiều cũng bị tổn thương da.
Hệ quả của việc sử dụng nước rửa chén kém chất lượng. Ảnh: Internet. |
Còn theo bác sĩ Trần Ngọc Ánh - Bệnh viện Da Liễu TPHCM, ghi nhận gần đây có nhiều bệnh nhân, chủ yếu là người nội trợ, bị các bệnh chàm, tổ đỉa, nấm móng... liên quan đến việc sử dụng nước rửa chén. Bác sĩ Ánh cho biết môi trường kiềm dễ phát sinh những bệnh này, đã có bệnh càng tiếp xúc với môi trường kiềm bệnh càng nặng hơn.
Khi nhóm chúng tôi tiếp xúc một số quán ăn, hộ gia đình sử dụng loại nước rửa chén này, thì được biết nếu loại nước rửa chén sinh học có giá thành khá cao thì nước rửa chén tự pha có giá thành rất thấp lại tẩy rửa không thua kém gì so với hàng “chính hãng”, và phải sử dụng hàng ngày với số lượng lớn thì đương nhiên chi phí phải được đặt lên hàng đầu, loại nào rẻ hơn sẽ được lựa chọn. Vậy, một vấn đề đặt ra là liệu người tiêu dùng có quá mạo hiểm khi đánh đổi cả tính mạng và sự an toàn của chính mình và người khác để đổi lấy phần lợi nhuận???
Theo NLĐ.